Thiếu cơ chế đặc thù riêng biệt bảo vệ người chưa thành niên trong các giai đoạn tố tụng

PV
15/04/2024 - 16:16
Thiếu cơ chế đặc thù riêng biệt bảo vệ người chưa thành niên trong các giai đoạn tố tụng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật. Với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, cơ quan soạn thảo cho rằng tham gia vào quy trình tố tụng tư pháp hình sự phức tạp, hầu hết người chưa thành niên cảm thấy lo sợ, dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực; vì vậy, cần có cơ chế pháp lý đặc thù thông qua một đạo luật chuyên biệt.

Chiều 15/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Phiên họp dự kiến diễn ra trong 4 ngày làm việc để cho ý kiến với 18 nội dung và 3 nội dung cho ý kiến bằng văn bản.

Nhóm vấn đề thứ nhất, tiếp tục cho ý kiến các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024); theo đó có 5 dự án luật là: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Đặc biệt là dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm.

Về các nhóm vấn đề giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023"; Cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".

Nhóm vấn đề quan trọng quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Tờ trình về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2023 và một số nội dung quan trọng khác.

Thiếu cơ chế đặc thù riêng biệt bảo vệ người chưa thành niên trong các giai đoạn tố tụng- Ảnh 1.

Các đại biểu nữ tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cần có đạo luật chuyên biệt bảo vệ người chưa thành niên trong hoạt động tư pháp

Với riêng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, theo Toà án Nhân dân tối cao, Việt Nam hiện đang có 7 Bộ luật, Luật điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trẻ em.

Dự kiến ngày 19/4, tại Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Dự thảo Luật gồm 168 điều được bố cục thành 05 phần, 12 chương. Trong đó có các phần như: Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên; Hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; Thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại…

Tuy nhiên, thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên; Hệ thống hình phạt chưa phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên;

Còn thiếu thiết chế, cơ chế đặc thù riêng biệt để bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích chính đáng của người chưa thành niên trong các giai đoạn tố tụng; Các quy định về giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên còn chưa đa dạng, hiệu quả chưa cao...

Thiếu cơ chế đặc thù riêng biệt bảo vệ người chưa thành niên trong các giai đoạn tố tụng- Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp chiều 15/4

Đặc biệt việc thi hành pháp luật đối với người chưa thành niên có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ, nghiêm túc; nhận thức, quan điểm về việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt, chưa chú trọng nhiều đến việc tạo cơ hội cho người chưa thành niên sửa chữa, cải thiện hành vi.

Hầu hết người chưa thành niên khi tham gia vào quy trình tố tụng tư pháp hình sự phức tạp đều cảm thấy lo sợ, dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực. Do đó, việc bảo vệ người chưa thành niên, chủ nhân tương lai của đất nước cần có cách tiếp cận riêng biệt, có cơ chế pháp lý đặc thù thông qua một đạo luật chuyên biệt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm