Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững

Trao chiếc cần câu, 

cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sinh kế bền vững

Trên hành trình phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang luôn có sự đồng hành cầm tay chỉ việc bằng những hỗ trợ thiết thực nhất của Hội LHPN và các tổ chức quốc tế.

Huyện Quang Bình nằm ở cực Tây của tỉnh Hà Giang, có diện tích 791,78 km2; là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số người Mông, Dao, Tày, Pà Thẻn… Nguồn thu nhập của người dân chủ yếu đến từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và dịch vụ, với tỷ lệ nghèo chiếm 26,4% (theo số liệu năm 2022).

"Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" - AWEEV là một dự án hỗ trợ phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ được thiết kế nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Dự án do Chính phủ Canada hỗ trợ thông qua tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, đang được triển khai tại 6 xã của huyện Quang Bình. Với sự đồng hành, vào cuộc chặt chẽ của các cấp Hội LHPN tại địa phương, dự án đang dần khẳng định hiệu quả và mang lại sự thay đổi cho đời sống, kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại các địa bàn thực hiện.

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 1.

"Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" là mục tiêu Dự án AWEEV hướng đến

Các mô hình sinh kế lấy phụ nữ làm trung tâm

Theo chân cán bộ Hội LHPN, cán bộ tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, cán bộ Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển RED, chúng tôi đã được đến với những thôn, bản khó khăn của huyện Quang Bình để tìm hiểu thêm về cuộc sống của những người phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây.

Hồng Sơn là một thôn ở vùng cao thuộc xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình. Điều kiện sống của người dân còn chưa cao. Đoạn đường từ thôn vào trung tâm xã chỉ dài gần 10km nhưng chúng tôi phải mất vài giờ để di chuyển bằng loại xe máy chuyên dụng của người dân bản địa. Địa hình dốc đá, nhiều đoạn đường đất sạt lở, đường đá hộc đang xây dựng, băng qua cây cầu gỗ cũ kỹ hay những đoạn suối cạn… đã ít nhiều khó khăn cho các hoạt động thường ngày của người dân tại Hồng Sơn.

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 2.

Thôn Hồng Sơn, xã Tiên Nguyên là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

Tiếp tục đi bộ len lỏi qua sườn núi, băng qua những cánh đồng ruộng bậc thanh xanh mướt, chúng tôi đến được với gia đình chị Lý Thị Diện (dân tộc Tày) và anh Sỉn Thanh Hòa. Đây là một trong những hộ gia đình đầu tiên mạnh dạn phát triển nghề nuôi dê tại thôn Hồng Sơn. 

Hào hứng khoe đàn dê đang được nhân rộng, chị Lý Thị Diện cũng cho biết: Trồng chè và thu hoạch thảo quả là nguồn thu nhập chính, mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng từ 29-32 triệu đồng. Số tiền này chỉ đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt của gia đình chứ không thể có tích lũy cho đầu tư phát triển kinh tế hay cho con cái học hành cũng như nâng cao điều kiện sống cho gia đình.

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 3.

Chị Lý Thị Diện và những chú dê chuẩn bị xuất chuồng

Từ tháng 9/2023, chị nhận được hỗ trợ vay vốn từ dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" của tổ chức CARE để phát triển kinh tế hộ gia đình. Các thành viên nhóm sinh kế đã thảo luận để lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện ở thôn. Dê là một trong những giống vật nuôi thích hợp nhất với địa hình miền núi, cao nguyên như thôn Hồng Sơn nên nhóm đã lựa chọn đầu tư loại hình chăn nuôi này ở quy mô hộ. 

Qua các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ năng của dự án, của Hội LHPN, các hộ gia đình tham gia Nhóm sinh kế nuôi dê như gia đình chị Diện đã bắt đầu bán được những lứa dê đầu tiên.

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 4.

Nhờ chăn nuôi dê, các hộ gia đình tại thôn Hồng Sơn có thêm nguồn thu nhập

Chị Đặng Xà Trắm - Trưởng nhóm sinh kế nuôi dê thôn Hồng Sơn cho biết: Nhóm sinh kế nuôi dê của thôn hiện có 16 hộ tham gia. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình kinh tế của các hội viên khác, nhiều chị em muốn tham gia vào nhóm. Chị em không chỉ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi mà còn được hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế.

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 5.

Một buổi sinh hoạt của Nhóm sinh kế nuôi dê thôn Hồng Sơn

Lấy phụ nữ làm trung tâm, xây dựng các mô hình kinh tế do chính chị em thảo luận, quyết định và lựa chọn đầu tư, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn là một trong những điểm khác biệt của Dự án. 

Thôn Yên Thành, xã Yên Lập, huyện Quang Bình có nhiều ao hồ, khí hậu, thổ nhưỡng tốt, các chị em đã lựa chọn mô hình sinh kế chăn nuôi vịt bầu cổ ngắn thích ứng với điều kiện khí hậu. Được Dự án cung cấp vốn sinh kế cho nhóm 30 triệu đồng và tài trợ máy ấp trứng, đợt đầu tiên 10 hộ trong nhóm chăn nuôi vịt thôn Yên Thành được vay vốn quay vòng không lãi suất trong 6 tháng để phát triển đàn vịt chăn nuôi. Đến cuối tháng 10/2023, có 10 hộ nuôi vịt đầu tròn và phát triển tốt.

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 6.

Mô hình sinh kế chăn nuôi vịt bầu cổ ngắn được lựa chọn vì phù hợp với điều kiện địa lý của thôn Yên Thành, xã Yên Lập, huyện Quang Bình

Chị Hoàng Thị Liên, một thành viên trong nhóm cho biết, chị nuôi vịt để lấy thịt và trứng. Để bán hàng, không cần phải mang đi xa, Chị chỉ cần đăng lên nhóm zalo của chi Hội phụ nữ thôn là bán được ngay. Giá vịt bầu cổ ngắn hiện ở mức 100.000 đồng/kg, mỗi con vịt bán được trung bình 250.000 đồng, mang lại thu nhập tốt và ổn định, có đồng ra, đồng vào để chăm lo cho gia đình.

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 7.

Từ chiếc máy ấp trứng được dự án tài trợ, các thành viên trong nhóm chủ động được nguồn con giống

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Bên cạnh những nhóm mô hình sinh kế, đầu năm 2023, CARE đã công bố các hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, qua đó nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại các địa bàn triển khai Dự án.

Nơi chúng tôi tiếp tục dừng chân là thôn Thượng Bình, xã Yên Thành - một trong những vùng trồng chè nổi tiếng ở Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Đón đoàn là chị Hủng Thị Dạng, trong bộ trang phục truyền thống màu đỏ rực rỡ của dân tộc Pà Thẻn. Pà Thẻn là nhóm người dân tộc thiểu số rất ít người, với dân số chỉ hơn 5.000 người. Nhắc đến Pà Thẻn, nhiều người nghĩ ngay đến Lễ hội múa lửa. Là người phụ nữ Pà Thẻn, không chỉ thừa hưởng bộ trang phục màu đỏ rực rỡ mà còn có niềm tin mãnh liệt rằng "một khi đã thắp lên ngọn lửa, chúng ta sẽ đi đến cùng", chị Hủng Thị Dạng đang tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời mình.

"Tuy chè là nguồn thu nhập chính nhưng ít người nắm vững kỹ năng chăm sóc, thu hoạch cũng như không biết cách nâng cao chất lượng búp chè. Chúng tôi thường bán cho người bán buôn và đợi họ báo giá, giá này thường rất thấp và biến động theo giá thị trường", chị Dạng nói thêm khi chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình.

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 8.
Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 9.
Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 10.
Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 11.

Chị Hủng Thị Dạng đang tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời mình từ cây chè bản địa

Nhìn thấy tiềm năng của thị trường chè và những cách có thể làm để cải thiện chất lượng và thu nhập của người trồng chè, chị đã nghĩ tới việc mở xưởng chế biến chè thành phẩm. Được tham gia dự án hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, chị Dạng đã được hướng dẫn, tập huấn, có thể vạch ra kế hoạch kinh doanh. Sau nhiều vòng tranh luận và thuyết phục trong cuộc thi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do dự án tổ chức, chị đã được hỗ trợ một phần chi phí và thiết bị chế biến cũng như đào tạo kỹ thuật để chế biến trà. Ba tháng sau khi hoàn thiện nhà xưởng và đào tạo kỹ thuật, chị Dạng có thể sản xuất và bán một mẻ chè khô chất lượng tốt "với giá cao hơn trước 15%".

"Chúng tôi đặt tên xưởng là Thượng Trà - có nghĩa là trà từ vùng cao - nơi tôi sống - và cũng có thể - Thượng có nghĩa là phẩm cấp hàng đầu", chị Dạng giải thích về tên xưởng và bày tỏ mong muốn Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện các hoạt động tiếp thị và xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở đường cho Thượng Trà gia nhập thị trường đồ uống đầy cạnh tranh tại Việt Nam.

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 12.

Tại tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, xưởng trồng nấm của chị Hoàng Thị Hiền cũng gây nhiều ấn tượng với khách tham quan, bởi quy mô và tiềm năng kinh tế của xưởng. Chị Hoàng Thị Hiền cho biết, chị có ý tưởng trồng nấm từ năm 2008 nhưng chỉ khi Dự án hỗ trợ cho vay không lãi suất hơn 110 triệu đồng và tài trợ cho xưởng nấm một máy đóng bầu hơn 30 triệu đồng, chị mới tự tin để bắt tay vào sản xuất. Hiện xưởng có quy mô sản xuất 20 nghìn bầu nấm và cho ra thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng.

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 13.
Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 14.

Xưởng nuôi trồng nấm của chị Hoàng Thị Hiền có quy mô sản xuất 20 nghìn bầu nấm

Tận dụng những nguyên liệu đầu vào sẵn có, xưởng của chị Hiền đã mở rộng hoạt động kinh doanh giống nấm sang các hộ khác trong vùng. Xưởng sản xuất nấm và phôi nấm của gia đình chị Hoàng Thị Hiền là một trong bảy mô hình khởi nghiệp được Dự án hỗ trợ.

Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 15.

"Với mục đích hỗ trợ phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ được thiết kế nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" - AWEEV hướng tới 2.635 phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số ở 9 xã thuộc hai huyện Tam Đường và Quang Bình của Lai Châu và Hà Giang.

Dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14), tập trung vào hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện sống của người dân tộc thiểu số tại 1.400 xã nghèo nhất cả nước. Dự án cũng sẽ trực tiếp góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. 

Dự án giải quyết các vấn đề chính: Hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm gánh nặng công việc chăm sóc, nâng cao khả năng ra quyết định của phụ nữ trong gia đình, thúc đẩy tiếp cận dịch vụ tài chính, và nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Trao chiếc cần câu, cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sinh kế bền vững- Ảnh 16.

Ông Nguyễn Đức Thành, Quản lý các dự án phát triển tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam trao đổi cùng phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia Dự án

Chúng tôi tin rằng, những nội dung này hoàn toàn phù hợp với Dự án 8 Hội LHPN Việt Nam đang triển khai thực hiện. Chúng tôi đã nhận được sự đồng hành, phối hợp của các đối tác, chính quyền địa phương và đặc biệt là của Hội LHPN tại các địa bàn triển khai dự án để theo đuổi mục tiêu chung là cải thiện phúc lợi kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số", ông Nguyễn Đức Thành, Quản lý các dự án phát triển tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết.


Trần Lê
21/04/2024 00:00