Loạn sản phẩm, dịch vụ “chữa lành”

Trang Thu
30/03/2024 - 08:22
Loạn sản phẩm, dịch vụ “chữa lành”

Ảnh minh họa

“Chữa lành” đang là từ khóa được nhiều người quan tâm trong bối cảnh hậu Covid-19 với nhiều khó khăn, áp lực cần được xoa dịu. Nắm bắt nhu cầu đó, hàng loạt sản phẩm, dịch vụ gắn với “chữa lành” được ra đời. Song, liệu chúng có thực sự “chữa lành” được hay không, lại là một câu hỏi khó trả lời.

Chỉ gần tìm kiếm từ khóa "chữa lành", ngay lập tức, bạn có thể tìm được hàng ngàn kết quả, trong đó, nổi bật là hàng loạt sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ "chữa lành" như thực phẩm, các workshop, khóa học, du lịch "chữa lành"... 

Đơn cử, các loại thực phẩm và đồ uống được giới thiệu là có nguồn gốc tự nhiên, có công dụng thanh lọc, tốt cho hệ tiêu hóa, sức khỏe, có tác dụng "chữa lành" cho cơ thể, có giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/món hoặc combo. 

Cùng với đó là các "vật phẩm chữa lành", từ vật phẩm phong thủy, đồ trang sức đến các liệu pháp hương thơm như tinh dầu, nến, xà bông… giúp thư giãn. Bên cạnh đó, người có nhu cầu còn được mời tham gia các hội, nhóm giới thiệu các dịch vụ "chữa lành" như: workshop chữa lành, du lịch chữa lành, thiền chữa lành, thậm chí là… viết "chữa lành"… 

Hình thức tham gia cũng rất linh hoạt, từ trực tuyến đến trực tiếp, từ các lớp học tập thể đến những buổi đào tạo chuyên sâu theo kiểu 1:1 (gồm 1 giảng viên và 1 học viên). Tùy theo từng nội dung, những sản phẩm, dịch vụ này có thể có giá dao động từ 250.000 đồng/buổi đến hàng chục triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, hiện nay, những sản phẩm, dịch vụ gắn mác "chữa lành" hầu hết đều mang tính chất tự phát, ăn theo trào lưu, chưa có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. 

Còn người sử dụng, đôi khi còn chưa hiểu rõ khái niệm "chữa lành", lại nghe theo những lời quảng cáo "có cánh", theo trào lưu nên đã vô tình rơi vào bẫy lừa đảo trong khi hiệu quả thực sự của những sản phẩm, dịch vụ này thật khó để kiểm chứng.

"Hiện nay, có quá nhiều sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu có công dụng chữa lành. Vì vậy, bản thân mỗi người cần tỉnh táo, thận trọng khi lựa chọn hay quyết định sử dụng những sản phẩm, dịch vụ này, tránh để bản thân trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo, vừa gây thiệt hại về kinh tế vừa mang thêm tổn thương vì mất niềm tin", chị Đào Hoàng Lan (TPHCM) tâm sự.

Từ góc độ người cung cấp dịch vụ, chị Nguyễn Ngọc Anh, đại diện một đơn vị tổ chức workshop tại Hà Nội, chia sẻ: "Mục đích của chúng tôi khi mở các workshop chữa lành là thông qua hoạt động như vẽ tranh, cắm hoa, làm bánh…, giúp chị em có thời gian thư giãn, giao lưu, cân bằng cuộc sống. 

Còn để trị liệu tâm lý, xoa dịu những tổn thương trong tâm hồn, chúng tôi thường tư vấn chị em tìm đến các chuyên gia tâm lý, hay các cá nhân, tổ chức có chức năng, được đào tạo và có bằng cấp chuyên môn để điều trị".

Năm 2021 đã được Liên hợp quốc gọi là "năm để chữa lành" (Year of Healing). "Chữa lành" là thuật ngữ dùng để thể hiện các biện pháp trong việc hàn gắn, phục hồi sức khỏe, thể chất cũng như cảm xúc, tâm lý, tình cảm của con người sau các thương tổn. Hiểu một cách đơn giản thì chữa lành là việc xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an, cảm giác bị tổn thương của một người trở về trạng thái an yên, giúp họ tiếp tục tìm được những niềm vui, ý nghĩa sống lạc quan.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm